UNESCO coi việc xây dựng và phát triển mô hình Trung tâm học tập cộng đồng là một giải pháp quan trọng để phát triển cộng đồng, góp phần làm giảm thiểu sự cách biệt về trình độ dân trí giữa các vùng miền, là một công cụ, một thiết chế có hiệu quả nhất trong việc thực hiện “giáo dục cho mọi người” và “mọi người cho giáo dục”.
Trung tâm học tập cộng đồng Đông Thọ, Thành phố Thái Bình học tập chuyên đề: Xây dựng và phát triển các mô hình học tập ở Thái Bình (Ảnh của TT. NCKHCN&PTYT – Hội KH tỉnh)
Năm 1997 được sự giúp đỡ của Hiệp hội quốc gia tổ chức UNESCO Nhật Bản (NFUAJ) thông qua Hội giáo dục người lớn Việt Nam (NAAE) đã xây dựng một mô hình Trung tâm học tập cộng đồng tại xã Phú Linh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Đến năm 1998, được sự hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật của UNESCO tại Băng Cốc, Bộ Giáo dục và Đào tạo, do Viện khoa học giáo dục chủ trì đã tiếp tục xây dựng 4 Trung tâm học tập cộng đồng tại 4 tỉnh: Hoà Bình, Điện Biên, Thái Bình và Bắc Giang. Qua thử nghiệm, các Trung tâm học tập cộng đồng đã có tác dụng to lớn trong việc nâng cao đời sống tinh thần và vật chất cho người lao động. Nhờ sự hưởng ứng tích cực của các địa phương và sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế như Hiệp hội Quốc gia và tổ chức UNESCO Nhật Bản (NFUAJ) 2 tỉnh Lai Châu, Điện Biên xây dựng 40 Trung tâm học tập cộng đồng và 3 Trung tâm giáo dục thường xuyên từ 2000 đến 2003; 8 tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Bắc Cạn, Cao Bằng, Lạng Sơn, Yên Bái, Lào Cai và Sơn La mỗi tỉnh 1 Trung tâm học tập cộng đồng. UNESCO tại Hà Nội giúp 5 tỉnh Tây Nguyên (Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lắc, Đăk Nông, Lâm Đồng) và Bình Phước mỗi tỉnh 1 Trung tâm học tập cộng đồng.
Trung tâm học tập cộng đồng ở nước ta đã phát triển rất nhanh, từ 01 Trung tâm học tập cộng đồng năm 1997, đến năm 1998 có 5 Trung tâm học tập cộng đồng, năm 1999 đã có 15 Trung tâm học tập cộng đồng; đến tháng 5/2005 có 5.384 Trung tâm học tập cộng đồng. Đến tháng 6/2006 cả nước có 7.384 Trung tâm học tập cộng đồng, trong đó có 14 tỉnh, thành phố đạt 100% phường, xã, thị trấn có Trung tâm học tập cộng đồng. Năm 2018, Việt Nam có 11.019 Trung tâm học tập cộng đồng. Năm 2020 thực hiện sáp nhập các đơn vị hành chính, do đó các Trung tâm học tập cộng ở cấp xã cũng sáp nhập với nhau nên cả nước còn 10.614 trung tâm (1.712 phường, 605 thị trấn và 8.297 xã).
Trung tâm học tập cộng đồng xã Vũ An, huyện Kiến Xương, học tập chuyên đề: Bạo lực học đường và một số biện pháp phòng chống bạo lực học đường hiện nay (Ảnh của TT. NCKHCN&PTYT – Hội KH tỉnh)
26 năm hoạt động và phát triển, Trung tâm học tập cộng đồng đã được đánh giá là một mô hình phù hợp nhằm tạo cơ hội học tập suốt đời cho người dân ở cộng đồng. Hoạt động của Trung tâm học tập cộng đồng được thực hiện theo phương châm “Cần gì học nấy”, “Học thiết thực”, “Học làm ngay” nên thời gian hoạt động rất mềm dẻo, phụ thuộc vào sự thống nhất của ban quản lí, giáo viên, hướng dẫn viên, cộng tác viên và học viên. Một buổi học tập có thể dài vài giờ hoặc chỉ vài chục phút; có thể tổ chức buổi sáng, buổi chiều, buổi tối hoặc tranh thủ cả buổi trưa. Cơ sở vật chất, các phương tiện phục vụ cho Trung tâm học tập cộng đồng cũng đều do nhân dân đóng góp hoặc vận động sự hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân tại địa phương. Trụ sở của Trung tâm học tập cộng đồng thường được mượn hoặc thuê Hội trường của UBND địa phương, nhà văn hóa, các cơ sở hoạt động xã hội khác, hoặc tại nhà một người dân hoặc trong các trường học. Các lớp học tổ chức rất đa dạng: có thể tại nhà văn hóa, thư viện, hội trường UBND hoặc trong các lớp học của trường phổ thông hoặc ngay tại hiện trường (trong xưởng, ngoài đồng, ruộng, ao, hồ…). Tài liệu dạy học và sách được sử dụng tại Trung tâm học tập cộng đồng cũng rất đa dạng cơ bản đáp ứng nhu cầu của người học và mang lại niềm vui, hiệu quả lao động, sản xuất cho nhân dân. Kinh phí dành cho hoạt động của Trung tâm học tập cộng đồng có thể từ các nguồn khác nhau, như: hỗ trợ của Nhà nước, của địa phương hay do các cá nhân, tổ chức quan tâm tài trợ hoặc do thực hiện các dịch vụ giáo dục, chuyển giao công nghệ, do đóng góp của người dân tại cộng đồng.
Trung tâm học tập cộng đồng xã Trọng Quan huyện Đông Hưng, học tập chuyên đề: Phòng, tránh tai nạn thương tích cho trẻ em (Ảnh của TT. NCKHCN&PTYT – Hội KH tỉnh)
Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thời đại số, kỷ nguyên số, việc đa dạng hóa cơ hội học tập của người dân, Trung tâm học tập cộng đồng đã bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế. Hoạt động của Trung tâm nhiều nơi mang tính phong trào, hình thức; cơ sở vật chất rất thiếu thốn, ... Vì vậy, đổi mới mô hình Trung tâm học tập cộng đồng hoạt động chất lượng hiệu quả là xu thế tất yếu, góp phần đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng mục tiêu xây dựng xã hội học tập.
Tóm lại, Trung tâm học tập cộng đồng ở Việt Nam đã trở thành trường học đặc biệt thường xuyên để nâng cao nguồn nhân lực tại chỗ dưới hình thức bồi dưỡng, đào tạo lại. Chính nơi đây, hình thành nguồn cán bộ, tuyên truyền viên, báo cáo viên, cộng tác viên, chuyên gia một số lĩnh vực ở địa phương góp phần tích cực trong việc định hướng phát triển ngành nghề: mỗi xã, phường, thị trấn có một sản phẩm truyền thống, tiêu biểu đặc trưng; đồng thời giữ ổn định chính trị, an ninh trên địa bàn, đẩy lùi tệ nạn xã hội, bảo vệ môi trường… hình thành những gia đình, cộng đồng dân cư hạnh phúc … theo chuẩn “Nông thôn mới, đô thị văn minh”.
Đình Trọng