Tranh minh họa: Nguồn internet
Sau bài luận bàn về “Tìm kiếm và sử dụng hiền tài” Hội Khuyến học đã đăng tải nhiều bài tiếp theo, sau đây chúng tôi xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc về giai thoại Mạc Đĩnh Chi là hiền tài nước Việt được phong tặng “Lưỡng Quốc Trạng Nguyên”.
Năm 1304 mới 24 tuổi, Mạc Đĩnh Chi dự khoa thi Đình. Ông đỗ đầu, nhưng lúc vào yết kiến, vua Trần Anh Tông thấy ông dung mạo xấu xí nên tỏ ý chê bai, không muốn cho đỗ đầu. Được thể mấy kẻ nịnh thần ghen gét hiềm tỵ với ông ra sức can ngăn nhà vua, có người còn độc miệng tâu rằng: “Nơi hạ giới đất Nam có thiếu chi người khôi ngô tuấn tú mà long đình linh thiêng này nơi ngự giá của thân ngọc mình ngà, sao bệ hạ lại cho kẻ nhược thần kia vào chầu,”
Mạc Đĩnh Chi biết vua cùng đám nịnh thần chê ngoại hình của mình nên ông làm bài phú Ngọc tỉnh liên (Hoa sen trong giếng ngọc) dâng vua. Bài phú có đoạn được dịch từ tiếng Hán có nghĩa:
Chẳng phải như đào trần lý tục; Chẳng phải như trúc cỗi mai gầy.
Cầu kỷ phòng tăng khó sánh; Mẫu đơn đất Lạc nào tầy.
Giậu Đào Lệnh cúc sao ví được; Vườn Linh Quân lan khó sánh thay!
Ấy là giống sen giếng ngọc ở đầu núi Thái hoa đây.
Mạc Đĩnh Chi dùng hình tượng bông sen trong giếng ngọc ở đầu núi, ý nói nhà vua đừng đánh giá một người qua dung mạo bên ngoài. Vua Trần Anh Tông khen hay, bỏ ngoài tai ý kiến của đám nịnh thần; ban áo, mão, võng lọng cho ông vinh quy bái tổ, rồi ban chức Thái học sinh hỏa dũng thủ, sung làm Nội thư gia.
Năm 1308 vâng lệnh vua Trần Anh Tông, Mạc Đĩnh Chi dẫn đầu đoàn tùy tùng đi sứ nhà Nguyên để tạo lập và duy trì mối quan hệ bang giao. Khi qua ải Bắc, ông hành lễ thượng hương tế cáo trời đất. Tương truyền ở đó có Đền thờ Tống Trân, ông vào viếng thăm, ngước nhìn lên tiền sảnh thấy treo trang trọng hai vế đối:
"Trạng Nguyên tám tuổi thơm trời Việt
Sứ sự mười đông khét đất Ngô"
Đọc xong, Mạc Đĩnh Chi thốt lên: "Trạng Nguyên tám tuổi, tưởng tài năng xuất chúng thế nào, nhưng xem câu đối này thì vẫn còn dốt lắm". Lời lẽ bất kính, khiếm nhã khiến bát hương cháy bùng lên, nơi thờ tự Tống Trân rung chuyển, giận dữ. Mạc Đĩnh Chi liền khấn: "Xin ông hãy phù hộ cho tôi đi sứ thành công, khi về tôi sẽ chỉ cái dốt của ông cho mà xem".
Sau đó Mạc Đĩnh Chi và những người cộng sự hối hả lên đường, trải qua vô vàn vất vả gian nan, đặc biệt là các cuộc đấu trí, đọ tài hết sức quyết liệt, thậm chí hiểm nguy đến tính mạng, nhưng với lòng can đảm, tài ứng đối thông minh, ông đã khiến vua tôi nhà Nguyên phải e dè kiêng nể.
Một lần, vua Nguyên Vũ Tông triệu kiến các sứ thần, giao cho mỗi người viết một bài phú, đề tài là bốn chữ "Nhất". Mạc Đĩnh Chi không hiểu ý, ông lặng lẽ kín đáo quan sát thì thấy sứ Cao Ly cặm cụi viết, nhìn chiếc quản bút hí hoáy, ông đoán biết vị sứ ấy đang viết bài phú viếng thái hậu vua Nguyên vừa qua đời, với trí tuệ siêu việt và giác quan kì lạ, chỉ một thoáng Mạc Đĩnh Chi đã hoàn tất bài phú đệ trình nhà vua. Bài phú đó dịch nghĩa là:
"Một áng mây trên trời xanh
Một bông tuyết trong lò đỏ
Một nhành hoa vườn thượng uyển
Một vầng trăng ao Dao trì
Than ôi! Mây tán, tuyết tan, hoa tàn, trăng khuyết"
Thật là tài tình, thật là độc đáo, thiên tuyệt bút của Mạc Đĩnh Chi đã thỏa mãn được bốn yêu cầu hết sức khắt khe, khi mẹ vua còn sống bốn cảnh quan đua nhau tỏa sáng, khi mẹ vua qua đời mọi thứ đều biến mất theo. Vua Nguyên hết sức khâm phục chấm cho bài này giải nhất và vinh danh ông là “Lưỡng Quốc Trạng Nguyên”.
Nhưng than ôi! hồng phúc chưa kịp lâm môn thì hiểm họa đã cận kề, đó là lần vua Nguyên mở tiệc linh đình khoản đãi, trong khi thù tạc Mạc Đĩnh Chi chếnh choáng men say, ông nhìn trên đại điện thấy có bức tranh rèm, trên bức rèm có thêu khóm trúc, trên khóm trúc là con chim sẻ đậu, ông liền quờ tay bắt thì đó chỉ là một con chim tranh, mọi người cười ồ chế giễu, Mạc Đĩnh Chi hầm hầm nổi giận xé tan bức rèm vô giá trước mặt Vua Nguyên. Sự việc diễn ra quá đột ngột, Vua Nguyên nổi trận lôi đình ra lệnh xử tội.
Trước hiểm họa nghìn cân treo sợi tóc, Mạc Đĩnh Chi đã nhanh chóng tìm lại sự bình tĩnh thường ngày, ông ngẩng nhìn trời và than rằng: Cái thân ta có gì mà phải tiếc, chỉ buồn cho cơ nghiệp nhà Nguyên sắp sụp đổ đến nơi. Thấy sự lạ Vua Nguyên sai áp giải trở lại và hỏi cơ nghiệp của ta đang vững như bàn thạch, nhà ngươi không lo cái đầu sắp rơi khỏi cổ, mà lại lo cho ngai vàng của ta là cớ làm sao? Mạc Đĩnh Chi nói: Chém thì cứ chém, hỏi gì nhiều. Vua Nguyên bảo, nếu nhà ngươi nói hợp lẽ đời, thuận mệnh trời thì không những ta tha tội mà còn trọng thưởng xứng đáng.
Mạc Đĩnh Chi bình thản thưa: “Tôi nghĩ chim sẻ là loài vật nhỏ nhoi, bản tính hẹp hòi, lòng chim dạ cá" biểu thị cho kẻ tiểu nhân, trúc là sự thanh cao thẳng thắn "Trúc dẫu cháy, đốt ngay vẫn thẳng", biểu tượng cho người quân tử, tiểu nhân là gian thần, quân tử là trung thần, nay bệ hạ để chim sẻ đậu trên cây trúc, tức là để kẻ tiểu nhân đứng trên người quân tử, gian thần được sủng ái, đắc chí lấn át tôi trung, đó là cái nguy của đất nước, vì thế tôi xé bức tranh ấy cảnh báo những âm mưu thoán nghịch, tôi chỉ vì bệ hạ và cơ nghiệp muôn đời của nhà Nguyên, chứ tôi đâu có tiếc gì đến thân". Lời lẽ minh triết, ý tứ sâu xa, trọn nghĩa vẹn tình, Vua Nguyên đổi giận làm mừng truyền tha bổng và trọng thưởng rất hậu cho Mạc Đĩnh Chi.
Ngày trở về đúng hẹn, Mạc Đĩnh Chi vào thắp hương bái tạ Tống Trân, ông nói: "Cảm tạ ông đã phù hộ cho tôi đi sứ thành công, nay giữ lời hứa xin được chỉ ra những từ chưa chỉnh trong câu đối”. Trạng Nguyên tám tuổi thơm trời Việt, quả thật xưa nay chỉ có một nhưng mới “Thơm" ở khoảng đất Việt mà thôi, còn ông đi sứ mười đông ở nước người, xử cành đa ra vụ kiện, nghe tiếng khóc biết gái giết chồng, khi bị giam biết ngả tượng Phật bằng chè lam nuôi tướng sĩ, không đi trên chiếu điều giữa đường để tránh chông chà, ông rất thông tuệ nhưng mới chỉ "Khét" ở đất Ngô thôi, tôi xin mạo muội bớt mỗi vế một chữ cuối, vế đối sẽ là:
Trạng Nguyên tám tuổi thơm Trời
Sứ sự mười đông khét Đất
Như vậy, trí tuệ và công đức của Ông sẽ bao trùm, lan tỏa vũ trụ bao la.
Thêm chữ vào nghĩa hẹp, bớt chữ đi nghĩa rộng. Bài học để đời của Mạc Đĩnh Chi đến nay vẫn còn nguyên giá trị.
MV<D