I/ Sơ lược về dòng họ Tạ làng Đa Phú.
Họ Tạ làng Đa Phú (xã Thống Nhất – Hưng Hà) là một dòng họ lớn và định cư lâu đời, hiện có 412 hộ với trên 2000 nhân khẩu. Đã từ lâu, họ Tạ làng Đa Phú luôn là một dòng họ có truyền thống đoàn kết, tự cường và hiếu học, đỗ đạt. Từ thời phong kiến, Họ Tạ Đa Phú đã có nhiều đóng góp trong công cuộc chống ngoại xâm và xây dựng đất nước. Đa Phú hiện còn lưu giữ truyền thống của các bậc tiền nhân có công trong kháng chiến chống quân Nguyên Mông. Cũng là nơi có các cụ tổ dòng họ như Trùm Tĩnh, Đốc Siêu, Quản Vinh đều là tướng tài trong thời kỳ đầu chống Pháp xâm lược. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, họ Tạ Đa Phú đã đóng góp nhiều sức người, sức của, với 63 liệt sĩ, 5 bà mẹ Việt Nam anh hùng, trong dòng họ còn có rất nhiều người là cán bộ cao cấp trong quân đội, cũng như trong bộ máy chính quyền các cấp.
Là một dòng họ lớn, đông nhân khẩu, lại định cư trong một vùng nông thôn, nơi có nhận thức và phong tục vẫn còn ít nhiều lạc hậu. Tuy nhiên, dòng họ Tạ vẫn giữ được truyền thống gia phong, đoàn kết, tự cường. Cùng với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” gắn với cuộc vận động "Toàn dân chung sức xây dựng NTM", “Xây dựng dòng họ khuyến học”. Ban liên lạc dòng họ Tạ đã phát huy tốt vai trò “Dòng họ tự quản”. Thời gian qua, bằng nhiều hình thức hoạt động đa dạng phong phú, Ban liên lạc dòng họ đã phát huy vai trò nòng cốt trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân đẩy mạnh phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng nông thôn mới (NTM) ở địa phương xã Thống Nhất. Liên tục từ năm 2010 đến nay, dòng họ Tạ liên tục được UBND xã Thống Nhất và UBND huyện Hưng Hà công nhận và trao giấy khen Dòng họ văn hóa tiêu biểu xuất sắc.
II/ Đánh giá thực trạng Công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng dòng họ học tập.
Về phong trào khuyến học, khuyến tài, dòng họ Tạ luôn coi trọng và lấy các tấm gương các cụ xưa truyền lại, và noi gương các dòng họ tiêu biểu khác để phấn đấu học tập. Dòng họ từ lâu đã là một dòng họ hiếu học, từ thời phong kiến xa xưa, các cụ dòng họ Tạ đều giỏi chữ nho, thời thuộc Pháp, trong làng có lớp học chữ nho do cụ Trưởng Bạ Tạ Văn Nói lập nên để dạy con cháu trong dòng họ, là nơi truyền bá tinh thần yêu nước, thương nòi, tự cường cho con cháu
- Ban khuyến học dòng họ được thành lập từ năm 2003. Hoạt động trong khuôn khổ tự phát cho đến năm 2015, dòng học đã kiện toàn lại Ban khuyến học, đề ra Quy ước khuyến học để đi vào hoạt động quy củ và nề nếp. Ban khuyến học gồm 18 thành viên, trong đó có 1 trưởng ban; 2 phó trưởng ban và 15 ủy viên.
* Về công tác phát triển Hội viên:
Ban khuyến học dòng họ đã bàn bạc thống nhất gây dựng phong trào để toàn họ trở thành một dòng họ học tập, phát động 100% các thành viên trong dòng họ là thành viên khuyến học (từ việc đóng góp quỹ đến động viên con cháu, gia đình đăng ký là gia đình học tập gia đình hiếu học), hàng năm có từ 85 – 90% các gia đình thành viên trong dòng họ đăng ký là gia đình hiếu học, phát động phong trào : “Học, học nữa, học mãi” ; “Học suốt đời chứ đâu chỉ học chữ” tích cực hưởng ứng “Tuần lễ học tập suốt đời” hằng năm. Bằng mọi hình thức thu hút các thành viên trong và ngoài họ tham gia như việc mở những cuộc họp họ để các thành viên tiêu biểu trong các lĩnh vực sản xuất chăn nuôi giỏi truyền đạt kinh nghiệm về khoa học kỹ thuật. Đến việc tuyên truyền các chế độ chính sách mới của Đảng, pháp luật của nhà nước. Trong những thời điểm nhạy cảm, dòng họ không có bất kỳ một thành viên nào tham gia các vụ khiếu kiện đông người, trong dòng họ không có con cháu mắc vào các tai tệ nạn xã hội, đối với các cháu còn là học sinh ngồi trên ghế nhà trường, Ban khuyến học thường lấy lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có được vẻ vang sánh vai các cường quốc năm châu hay không, chính là nhờ một phần lớn vào công học tập của các cháu” làm lời dạy thứ nhất, tiếp đó là khẩu hiệu: “Dòng họ ngày càng vẻ vang, gia đình ngày càng danh giá” là đích của các cháu phấn đấu. Do đó, hàng năm 100% con cháu trong dòng họ đi học đúng độ tuổi, đạt đúng phổ cập giáo dục, tỷ lệ chuyên cần cao và các cháu đều thi đua phấn đấu đạt học sinh giỏi các cấp.
* Về công tác xây dựng. phát triển Quỹ khuyến học:
- Ban khuyến học đã cùng Ban liên lạc dòng họ thống nhất các phương án xây dựng quỹ khuyến học.
- Vận động sự tài trợ của con em trong dòng họ thành đạt, có kinh tế tài trợ quỹ.
- Trích 20- 30% quỹ công đức của dòng họ để làm khuyến học
- Hàng năm vận động các thành viên trong dòng họ đóng góp 10-20.000đ/người vào quỹ khuyến học.
- Hàng năm đều chi cho hoạt động khuyến học khuyến tài, chi thưởng cho học sinh giỏi và trao học bổng cho học sinh nghèo vượt khó từ 15 – 20 triệu đồng. (Tổng chi từ 2015 đến 2022 là 148.500 nghìn đồng)
- Mức thưởng: 200 nghìn đồng/1 học sinh giỏi cấp Quốc gia; 150 nghìn/1 học sinh giỏi cấp Tỉnh; 120 nghìn/ 1 học sinh giỏi cấp huyện; 100 nghìn/ 1 học sinh giỏi cấp trường.
- Học bổng cho HS nghèo vượt khó: 500 nghìn/1 trường hợp
- Duy trì nguồn quỹ luôn có từ 30 triệu đồng trở lên.
* Hình thức tổ chức Lễ tuyên dương, khen thưởng:
- Hàng năm dòng họ quy ước, lấy chiều ngày 20/11 (Ngày Nhà giáo Việt Nam) là ngày vinh danh các cháu HSG các cấp, đỗ Đại học, Cao đẳng và trao học bổng cho học sinh nghèo vượt khó.
- Phần thưởng cho HSG sẽ gồm : Thư khen của dòng họ và phần thưởng các loại: Học sinh giỏi cấp Quốc gia; HSG cấp Tỉnh; HSG cấp Huyện; HSG cấp trường và mỗi năm cấp từ 3-4 học bổng cho các cháu là học sinh nghèo vượt khó.
- Công tác tổ chức Hội nghị: Mời đại biểu đại diện Hội khuyến học huyện, Hội khuyến học xã, chính quyền thôn, xóm; Ban giám hiệu các nhà trường có con em đang học tập;
Xuất phát từ những thuận lợi cũng như sự phấn đấu của Ban khuyến học và dòng họ nên hàng năm, trong dòng họ đều có rất nhiều các cháu đạt thành tích xuất sắc, hàng năm số cháu đạt 4 đến 5 các giải học sinh giỏi trên mọi lĩnh vực cũng rất nhiều. Số lượng các cháu đạt HSG năm sau luôn cao hơn năm trước, như năm học 2014- 2015, dòng học có 45 cháu đỗ, đạt HSG các cấp, năm học 2015-2016 có 86 cháu đạt HSG, đến năm học 2016-2017 có 96 cháu, năm học 2017-2018 trao thưởng cho 102 cháu, năm học 2018-2019 trao thưởng cho 108 cháu. Năm học 2020-2021 trao thưởng cho 96 cháu. Năm học 2021-2022 trao thưởng 104 cháu đỗ, đạt HSG các cấp.
Trong dòng họ có những gia đình học tập tiêu biểu như gia đình ông Tạ Văn Vệ, có 1 con là tiến sỹ hóa học, 4 con là thạc sỹ trên mọi lĩnh vực kinh tế, giáo dục. Gia đình ông cũng được công nhận là 1 trong 38 gia đình học tập tiêu biểu xuất sắc của tỉnh Thái Bình năm 2016 và được UBND tỉnh tặng giấy khen
*Thành tích đã đạt được:
Từ những thành tích trên của các cháu, cũng như sự chung tay xây dựng phong trào khuyến học khuyến tài của dòng họ. Năm 2016, sơ kết 1 năm thực hiện Đề án 281 của Chính phủ.Dòng họ Tạ làng Đa Phú được Tỉnh hội khuyến học tỉnh Thái Bình công nhận là 1 trong 29 dòng họ học tập tiêu biểu xuất sắc của tỉnh Thái Bình.
- Năm 2016, dòng họ được Hội KH Thái Bình tặng giấy khen về công tác khuyến học khuyến tài.
- Năm 2018, dòng họ được Trung ương Hội KH Việt Nam trao Bằng khen cho thành tích xuất sắc trong công tác khuyến học khuyến tài trong dòng họ.
- Năm 2019, dòng họ được UBND tỉnh khen thưởng về công tác khuyến học khuyến tài.
- Năm 2020, được UBND huyện Hưng Hà tặng giấy khen công tác khuyến học khuyến tài.
- Hội KH xã Thống Nhất tặng giấy khen về thành tích xuất sắc công tác khuyến học khuyến tài liên tục từ năm 2015 – 2022.
- Ông Tạ Xuân Thúy, trưởng ban liên lạc dòng họ và ông Tạ Xuân Sinh, trưởng Ban khuyến học dòng họ được Trung ương Hội KH Việt Nam tặng: “Kỷ niệm chương vì sự nghiệp khuyến học”.
III. Những bất cập, khó khăn cần khắc phục và giải pháp xây dựng mô hình: Gia đình học tập đạt chuẩn
- Hiện nay, mô hình gia đình học tập còn nhiều khó khăn: Việc các gia đình có người đi làm ăn xa, việc đầu tư cho con em học tập còn chưa đạt yêu cầu
- Vùng nông thôn, công nghệ thông tin chưa phát triển nên việc sử dụng mạng internet tuyên truyền xây dựng mô hình gia đình học tập chưa phát huy được tác dụng, thực tế còn phải tuyên truyền trực tiếp nên hiệu quả chưa cao…
IV: Những đề xuất, kiến nghị:
- Hội khuyến học cấp trên đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền về công tác khuyến học, cụ thể: Tổ chức những hội thảo xây dựng mô hình: “Dòng họ học tập”; “Gia đình học tập”…nêu những gương điển hình, truyền đạt kinh nghiệm hay để các dòng họ tiếp tục đẩy mạnh công tác khuyến học khuyến tài trong dòng họ, nhất là công tác xây dựng và phát triển quỹ khuyến học, công tác tuyên truyền xây dựng mô hình: “Gia đình học tập”.
- Khen thưởng, động viên kịp thời những mô hình tiêu biểu, để tiếp tục nhân rộng điển hình Dòng họ học tập, Gia đình học tập .
- Có hướng chỉ đạo cụ thể để Ban khuyến học các dòng họ cùng Ban khuyến học và chính quyền thôn, chung tay giúp đỡ các dòng họ khác phát triển công tác khuyến học. Cùng chung tay xây dựng một xã hội học tập ngày càng phát triển hơn./.
TM. BAN KHUYẾN HỌC TRƯỞNG BAN Tạ Xuân Sinh