Năm Nhâm Dần sắp đến, hình tượng chúa Sơn Lâm lại sừng sững xuất hiện, chỉ còn ít ngày nữa chúng ta sẽ bước qua năm Tân Sửu, sang năm Nhâm Dần, năm con cọp, theo quy luật tuần hoàn của tạo hóa. Hổ thường hay gọi là cọp; Trong 12 con giáp, Hổ được xuất hiện ở vị trí thứ 3, sau con Chuột và con Trâu. Cứ một vòng quay của 60 hoa giáp, con Hổ được xuất hiện với 5 vị trí khác nhau, bao gồm các năm: Giáp Dần, Bính Dần, Canh Dần, Nhâm Dần, Mậu Dần.
Tuổi Dần tức tuổi con cọp nghe qua rất dữ dằn, mạnh mẽ. Trong gia đình Việt Nam, khi sinh con người ta không muốn con gái mang tuổi Dần, vì quan niệm khó lấy chồng, con gái tuổi Dần cho là cao số, cầm quyền trong nhà bởi cọp là biểu tượng của sức mạnh và hung bạo.
Cọp là loài vật sống trong rừng sâu, cô độc, chỉ có một mình. Cọp Châu Á trung bình nặng 150 kg đến 180kg, nhưng dáng đi nhẹ nhàng thanh thoát, nhanh nhẹn bởi cùng họ nhà Mèo. Mắt Hổ tròn sắc, lạnh lùng, kiên nhẫn, bền bỉ rình mồi, răng nanh, nhọn sắc để ăn thịt các loài vật khác. Các loài vật ăn cỏ như Hươu, nai, chồn, thỏ là mồi ngon của cọp. Cả người khi gặp cọp cũng khó thoát thân. Con người rất sợ cọp nên đã gọi Cọp là ông Ba Mươi để kiêng tiếng Cọp. Cùng với Sư tử, Cọp là chúa Sơn Lâm, Cọp đã trở thành thần linh được đưa lên Tranh Liễn và trong Miếu Thờ.
Ngày nay, xã hội phát triển,con người sinh sôi đông đúc, nạn phá rừng dữ dội khiến giang sơn của cọp bị thu hẹp dần, cọp không còn là hiểm họa của loài người, mà cọp cần phải được bảo vệ để tồn tại không được săn bắn, sát hại cọp.
Tuy cọp có sức mạnh vô biên, nhưng con người cũng biết cách khắc chế, bằng võ nghệ để đánh thắng cọp và huấn luyện cọp làm xiếc. Trong truyện cổ có truyện Võ Tòng đả hổ. Khi cọp sa cơ trong cũi sắt mà nhà thơ Thế Lữ đã có bài thơ nổi tiếng “Nhớ rừng”.
Gậm một khối căm hờn trong cũi sắt
Ta nằm dài trông ngày tháng dần qua
Ta sống mãi trong tình thương nỗi nhớ
Thuở tung hoành hống hách những ngày xưa
Nhớ cảnh Sơn Lâm, bóng cả, cây già
Với tiếng gió gào ngàn, với giọng nguồn hét núi
Than ôi! Thời oanh liệt còn đâu
Trong ngôn ngữ xã hội Việt Nam có nhiều giai thoại về Hổ, riêng thành ngữ, tục ngữ có một số câu khá phổ biến như:
* Chúa Sơn Lâm: cọp được xem là vật dũng mãnh, uy quyền mà gần như tất cả loài thú hoang dã núi rừng phải khuất phục.
* Cáo mượn oai hùm:
Đây là thành ngữ của một truyện ngụ ngôn, Cọp là chúa sơn lâm nên các thú vật trong rừng đều khiếp sợ. Một hôm Cọp bắt được Cáo, thì Cáo la rằng : Không được chạm đến ta mà chết không kịp ngáp; Ta được Trời sai xuống đây để cai trị tất cả thú vật; Ngươi mà xâm phạm đến ta, thì Trời sẽ trừng phạt ngươi ngay, không tin ngươi cứ đi theo sau ta một vòng, là biết, Cọp nghe lời Cáo, bèn đi theo. Đi đến đâu, các thú vật sợ Cọp đều bỏ chạy hết, quả nhiên lời nói của Cáo đúng sự thật và Cọp nghĩ Cáo đã được Trời sai xuống để cai trị tất cả thú vật, đâu có ngờ các thú vật sợ Cọp chứ không phải sợ Cáo. Do vậy, Cọp không dám chạm đến Cáo, nên Cáo được thoát thân. Câu chuyện này có ý nghĩa: Kẻ tài hèn thường mượn uy quyền người khác để hống hách doạ nạt thiên hạ. Dựa vào thế lực của người khác để khoe mình, chính là “Cáo mượn oai Hùm”.
* Dưỡng hổ vi họa: Nuôi cọp trong nhà, đến khi cọp lớn lại bị cọp ăn thịt. Ngụ ý nói nuôi cọp để sau Cọp hại mình, là chỉ vào người không biết đề phòng kẻ phản bội. Cùng ý này còn có câu: “Nuôi ong tay áo”
* Điệu hổ ly sơn: Dụ cọp ra khỏi núi rừng bởi núi rừng là nơi cọp tung hoành, nếu đưa cọp ra khỏi môi trường sống của nó thì cọp có hung dữ cũng không còn đất để mà dụng võ, sẽ dễ dàng bị mắc bẫy. Câu này ẩn dụ: đưa một con người ra khỏi môi trường quen thuộc thì sẽ không phát huy được sở trường.
* Đuổi hùm cửa trước, rước sói cửa sau: ý nói chống kẻ ác này rồi lại bắt tay với kẻ ác khác không phải là sự ứng xử thông minh; Liên minh cầu viện người này để chống lại người kia, kết quả là đuổi được kẻ mạnh này, thì lại bị kẻ mạnh khác ức chế là ứng xử sai lầm:
“Tiền môn cự hổ, hậu môn rước lang”
*Hổ đội lốt thầy tu: Thành ngữ này chỉ vào kẻ gian ác, mặc áo thầy tu, nhưng tâm địa thực chất là độc ác.
Họa hổ, họa bì, nan họa cốt: nghĩa là vẽ Hổ, vẽ da thì dễ, nhưng xương khó vẽ:
Cả hai vế là:
Họa hổ, họa bì nan họa cốt
Tri nhân, tri diện, bất tri tâm
Ý nghĩa: biết người, biết mặt, khó biết lòng
* Hổ phụ sinh hổ tử: Cha Hổ sinh con là Hổ, ý nói những người có tài sinh con ra mà tài giỏi thì người ta nói Hổ phụ sinh Hổ tử.
*Hùm chết để da, Người ta chết để tiếng: Da Hổ thuộc loại quý, người ta dùng để trang trí trong nhà còn mãi, còn con người tốt xấu khi chết phải để lại tiếng tăm, khuyên người ta làm điều phải.
* Mãnh hổ nan địch quần hồ: Hổ tuy mạnh nhưng cũng khó khăn để đánh lại cả một bầy chồn cáo, ý nói trong cuộc sống đoàn kết là sức mạnh.
* Tọa sơn quan Hổ đấu: Ngồi ung dung trên núi nhìn hai con Hổ đánh nhau. Ý nói những người trong cuộc sống tranh giành với nhau, mưu mô, đố kỵ, có người thứ ba thấy sự đấu đá của hai người, tự nhiên nhảy vào hưởng lợi.
Tiếp đến là chuyện Chúa Sơn Lâm bị bệnh, nên không đi khỏi hang để săn thức ăn, lương thực dự trữ cũng đã hết; Các thú nghe tin Chúa Sơn Lâm ốm, lục đục đến thăm. Cọp thì đang đau lại đói, nên kiếm cớ để bắt lỗi kẻ đến thăm mà ăn thịt. Chú Nai tơ vào thăm, Cọp bảo Nai lại gần và hỏi: “Chú Nai thấy ta đang đau, người của ta thơm hay thối?. Nai thật thà trả lời: “Thưa thối”. Cọp bắt lỗi Nai, ta là chúa sơn lâm mà dám nói ta thối? Cọp liền chụp Nai để ăn thịt, nhưng Nai may mắn chạy thoát ra ngoài và than khóc kể rõ sự tình cho các thú khác nghe. Kế đến, Chồn vào thăm Cọp, thì cũng bị Cọp hỏi câu tương tự: “Chú Chồn thấy ta đang đau, người của ta thơm hay thối?” Chồn đã nghe Nai kể lại việc đi thăm Cọp, nên trả lời: “Thưa thơm”. Cọp nổi giận nói: “Thằng này nịnh”, nên cũng nhảy tới chụp Chồn để ăn thịt, nhưng Chồn chạy thoát và Chồn cũng kể rõ việc đi thăm Cọp cho Chuột và các thú khác nghe. Hôm sau, Chuột đến thăm Cọp, bởi vì không thăm thì sẽ có lỗi với chúa sơn lâm, hơn nữa Chuột nghe Nai và Chồn nói về Cọp rồi, nên rút kinh nghiệm, yên chí đến thăm Cọp. Chuột cũng được Cọp hỏi giống như Nai và Chồn vậy, Chuột trả lời: “Thưa người của ngài không thơm mà cũng không thối”. Cọp giận dữ nói: “Chú nói ba phải” bèn phóng tới chụp Chuột để ăn, nhưng Chuột chạy thoát thân. Ít lâu sau, Chuột đi qua cánh rừng, gặp Cọp bị mắc bẫy, Cọp thấy Chuột thì kêu cứu, Chuột trả lời: “Tôi có thể bò ra đầu cành cắn dây treo đứt xuống, nhưng sợ ông sẽ ăn thịt, nên tôi đành chịu”. Nói xong đi luôn cùng các thú khác, không ai thèm cứu. Câu chuyện có ý nghĩa bao quát đáng cho chúng ta suy ngẫm ở đời.
Nhân ngày xuân Nhâm Dần tết con cọp, xin có đôi dòng sưu tầm tìm hiểu về Hổ, gọi là nhâm nhi ly rượu, chén trà./.
Mạnh Vũ & Lại Tây Dương