Chúng tôi đã đọc nhiều bài thơ, áng văn về Mẹ, song một trong những bài thơ hay, lắng đọng cảm xúc nhất là bài thơ “Mẹ” của tác giả Lại Tây Dương đã được đăng trên nhiều báo và tạp chí.
Chúng tôi đã đọc nhiều bài thơ, áng văn về Mẹ, song một trong những bài thơ hay, lắng đọng cảm xúc nhất là bài thơ “Mẹ” của tác giả Lại Tây Dương đã được đăng trên nhiều báo và tạp chí. Với phong cách thơ rất riêng và độc đáo, nét đặc sắc nhất của bài thơ là chỉ gợi cho chúng ta “nghĩ”, “nhớ” chứ không tả. Hai câu đầu của bài thơ có ba từ “cõng” và hai từ “còng”, năm từ ấy tạo nên một chân dung của bà Mẹ Việt Nam ngàn đời. Hình ảnh người mẹ và cánh đồng là hai thực thể khác nhau nhưng lại rất gắn liền và hòa quyện với nhau. Từ cánh đồng làng mà mẹ làm nên tất cả: miếng cơm, manh áo, con cháu…cho đến vẻ đẹp một nhân cách, một khí phách Việt Nam mà hàng nghìn năm kẻ ngoại bang không sao đồng hóa được. Có phải vì thế mà hai từ “Đất mẹ” rất thiêng liêng, hóa thành “danh từ riêng” để chỉ quê hương đất nước mình. Trong bài thơ “Mẹ”, người mẹ không tên, không tuổi, không có địa chỉ nhưng khi đọc ta lại nghĩ đến người mẹ của riêng mình đã trải qua bao vất vả, tần tảo sớm hôm, mang nặng đẻ đau, 9 tháng mang thai, ba năm bú mớm nuôi con khôn lớn trưởng thành; Sức gợi của bài thơ rất hay ở chỗ đó. Sức gợi của bài thơ cứ như vậy lắng đọng trong từng câu, từng chữ, từng dòng. Đất nước Việt Nam ba mặt núi, một mặt biển là mảnh đất của bão táp, mưa sa, giặc dã triền miên, khiến cho trong mỗi bát cơm đều đong đầy bởi những hạt đắng cay, tất cả những vất vả, hiểm nguy ấy đều “Lặn vào đời mẹ”. Tất cả những nếp nhăn trên gương mặt, mỗi sợi tóc đổi màu trên đầu, mỗi chiếc áo sờn vai trên người mẹ đều là một câu chuyện, dù các nhà văn, nhà thơ có khai thác muôn đời cũng không bao giờ vơi cạn. Vì vậy, mà hình tượng người mẹ “Dò đồng nội, lội đồng sâu” đã trở thành hình tượng, hành trang cho người chồng, người con mang đi đánh giặc; Thành những bầu sữa mẹ nuôi các con, các cháu trưởng thành tiếp bước cha ông. Khi giặc dã qua đi, người mẹ vẫn chưa được an nhàn, vẫn không thôi vất vả, bởi: “Hết mưa đông, lại nắng hè Mẹ nuôi ông Cống, ông Nghè hiển vinh” Bằng những bát cơm “Dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần” để những ông Cống, ông Nghè đó làm rạng danh đất nước. Bài thơ càng đọc, chúng ta càng cảm nhận không nói hết thành lời, càng đọc càng cảm nhận được nhiều điều hay và thú vị./.
Mạnh Vũ & Trọng Bùi
MẸ
Còng lưng cõng cánh đồng làng
Cõng con, cõng cháu lưng càng còng thêm
Cả khi chân yếu, tay mềm
Thân tằm rứt ruột dệt nên tơ vàng
Sóng to, gió lớn phũ phàng
Lặn vào đời mẹ muôn ngàn khổ đau
Áo sờn vai, tóc bạc màu
Dò đồng nội, lội đồng sâu cấy trồng
Chỉ mong cây lúa nặng bông
Nửa nuôi con, nửa nhường chồng mang đi
Bao lần giặc giã hiểm nguy
Mẹ là chiến lũy, thành trì chở che
Hết mưa đông, lại nắng hè
Mẹ nuôi ông Cống, ông Nghè hiển vinh
Hai bàn tay vẫn trắng tinh
Quanh năm lận đận, một mình cô đơn.
Lại Tây Dương