Ngôi chùa Đông Am tọa lạc ở thôn Hưng Tiến, xã Quang Bình, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Trụ trì chùa là sư thầy Thích Đàm Thân (tên thật là Lương Thị Thân), sinh năm 1956 ở xã Đông Cường, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Sư thầy sinh ra trong một gia đình có 5 chị em, trong hoàn cảnh cả nước đang sôi sục của cuộc kháng chiến chống giặc Mỹ xâm lược, cũng như bao thanh niên trong độ tuổi 18 đôi mươi hừng hực khí thế ra tiền tuyến sẵn sàng hi sinh thân mình để làm việc đại nghĩa cho quê hương, đất nước. Năm 1974 từ giã cha mẹ già, Lương Thị Thân vào bộ đội và ra chiến trường tiếp sức cho tuyến lửa. Do đã được học đến lớp 7, lại có tố chất nên được đơn vị cử ra Hà Nội học lớp quân y, rồi trở lại chiến trường phục vụ chiến đấu. Một lần chị cùng đơn vị vào sâu trong vùng chiến tuyến làm nhiệm vụ cứu thương, nhưng không may xe của chị bị trúng bom. Do vết thương quá nặng chị Thân được đưa đi điều trị ở hậu phương. Trên người băng bó chằng chịt và vết thương vẫn rỉ máu nhưng trái tim người con gái vẫn còn nặng lòng với những đồng đội của mình nơi mũi tên hòn đạn.
Sư thầy Thích Đàm Thân cùng các cựu chiến binh Nữ bộ đội Trường Sơn chụp ảnh kỷ niệm 48 năm ngày nhập ngũ (1974- 2022)
Chiến tranh kết thúc, trở về quê nhà, những vết thương trong chiến tranh đã biến chị từ một cô gái bình thường thành một người tàn phế, mất 62% sức khỏe. Với tấm lòng từ bi, hướng thiện chị đã xuống tóc đi tu hướng về cõi Phật.
Chịu quá nhiều mất mát hi sinh nên sư Thích Đàm Thân lúc nào cũng mong sẽ làm được những việc ý nghĩa cho đời, cho những thân phận đã từng chụi thiệt thòi giống như mình. Gần 3 chục năm tu hành dù ở đâu sư thầy luôn chăm lo xây dựng nhà chùa và tích cực làm việc thiện. Chùa cũng là nơi để những mảnh đời khốn khó có thể nương nhờ, đã có gần 40 trẻ em bị bỏ rơi được sư thầy cùng nhà chùa cưu mang, nuôi dưỡng. Chưa dừng lại ở đó, sư thầy đã liên hệ với Trường Nguyễn Đình Chiểu cho các em nhỏ đi học chữ nổi. Sư Thích Đàm Thân tâm sự rằng, không làm thế thì các em khổ lắm. Đã không may bị cướp mất đôi mắt, đôi tai, lại không biết chữ thì suốt cuộc đời là bể khổ. Kinh qua những trần ai bi lụy của “bể đời” nên nhà sư cảm thông với những mảnh đời khốn khó. Có trường hợp một chị tâm thần trong xã bị đuổi đi rồi lang thang đến chùa, sư thầy cũng nhận nuôi. Một lần, sư thầy bị người đó lên cơn và đánh đập, nhưng thầy vẫn nhẫn nại chịu đựng nuôi nấng chăm sóc.
Lãnh đạo xã Quang Bình tặng giấy khen cho sư thầy Thích Đàm Thân
Trong những năm trụ trì tại chùa, sư thầy đã nuôi dưỡng giúp nhiều em đỗ đại học, cao đẳng. Nhiều em đã lập nghiệp và có việc làm ổn định, nhiều em trở thành sư thầy trụ trì tại các chùa khác như sư thầy Thích Đàm Tình, sư thầy Thích Đàm Thu, sư thầy Thích Đàm Ký, sư thầy Thích Đàm Liễu...
Nhìn cảnh người dân thôn quê, sau mỗi mùa vụ không có việc làm sư Thích Đàm Thân lại đi liên hệ xin mối làm sợi, làm hương để bán. Vừa giúp cho người dân có thêm thu nhập, vừa giúp chùa ngày càng được khang trang hơn. Đơn đặt hàng nhiều, sư Thích Đàm Thân lại phải xây thêm nhà cho người làm để khi mệt họ có thể nghỉ ngơi.
Hàng năm, sư thầy còn vận động các tăng ni, phật tử ủng hộ cho công tác xây dựng quỹ khuyến học của xã, của huyện. Mỗi năm vào dịp tết đến xuân về, sư thầy lại ủng hộ từ 2-5 triệu đồng tặng quà cho các cháu đỗ cao đẳng, đại học và các cháu có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài ra sư thầy còn kêu gọi các nhà hảo tâm trên mọi miền Tổ quốc ủng hộ cho những người dân và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn không nơi nương tựa, trẻ em nghèo vượt khó trong học tập với mỗi suất quà trị giá từ 100.000đ đến 200.000đ.
Sư thầy còn là ủy viên BCH Hội khuyến học của xã Quang Bình trong nhiều năm và cũng là một trong những người tiêu biểu trong công tác khuyến học của xã. Năm 2022 được Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam tặng kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp khuyến học”. Hàng năm chùa được UBMTTQVN các cấp công nhận là “Chùa cảnh 4 gương mẫu”, đặc biệt, tháng 4 năm 2024, sư thầy Thích Đàm Thân được nhận Giáo chỉ Tấn phong Ni sư.
Ni sư Thích Đàm Thân cũng như hàng triệu phụ nữ khác trên dải đất hình chữ S, đã cống hiến tuổi xuân cho đất nước này và đang tiếp tục làm những việc tốt đẹp cho cuộc đời, dù chấp nhận hy sinh hạnh phúc của riêng mình.
Mai Thị Mơ, Chủ tịch Hội Khuyến học xã Quang Bình