Kỷ niệm 57 năm ngày hi sinh của anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi 15/10/1964 – 15/10/2021), Hội Khuyến học tỉnh Thái Bình trân trọng giới thiệu với bạn đọc bài viết của tác giả Nguyễn Văn Đầm về nhân chứng và sự kiện lịch sử liên quan tới tấm gương kiên cường bất khuất một lòng một dạ với Tổ quốc của anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi
Ông McNamara (trái) gặp đại tướng Võ Nguyên Giáp năm 1995 ở Hà Nội, tại cuộc gặp này ông được Đại tướng giải đáp câu hỏi vì sao Mỹ thua trong chiến tranh Việt Nam - Ảnh: Getty Images
1. Robert McNamara đứng đầu phái diều hâu tại Lầu Năm Góc
Robert McNamara (6/1916-7/2009) là một nhà kỹ trị nổi tiếng của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, khi đương kim chủ tịch Hãng xe hơi Ford năm 1961, mới 45 tuổi McNamara đã được tổng thống Kennedy đưa lên đứng đầu Lầu Năm Góc và nắm giữ vị trí Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ suốt bảy năm, qua hai đời Tổng thống Kennedy và John-son, một kỷ lục mà không một nhân vật nào trước đó làm được kể từ khi cơ quan này được thành lập. Sau khi rời Lầu Năm Góc McNamara làm Chủ tịch Nhóm Ngân hàng Thế giới (1968-1981).
Thời kỳ chiến tranh lạnh, McNamara đã cố vấn cho tổng thống Mỹ trong cuộc khủng hoảng tên lửa ở Cuba. Với cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, ông ta là người chủ trương dùng sức mạnh quân sự để giành chiến thắng. Từ 500 quân ban đầu (Năm 1961), Mỹ đã ồ ạt đưa đến nửa triệu quân vào miền nam Việt Nam để tham chiến (Năm 1968). Ông ta cũng là tác giả của phòng tuyến quân sự mang tên “Hàng rào điện tử McNamara” tại Việt Nam. McNamara cũng được xem là “kiến trúc sư” của chiến lược Mỹ hóa chiến tranh Việt Nam, còn gọi là chiến lược leo thang can thiệp, chiến lược chiến tranh tiêu hao, chiến tranh lùng diệt mà bản chất là “Tìm diệt và bình định” với phương châm “giết chết những gì động đậy, phá sập những gì bất động”. Dưới sự chỉ huy tác chiến của bộ trưởng quốc phòng McNamara, quân Mỹ đã thí nghiệm tất cả các loại vũ khí mà nền đại công nghiệp quốc phòng Mỹ sản xuất được, trừ vũ khí hạt nhân. Với ý đồ đẩy Việt Nam vào thời kỳ đồ đá nếu người Việt Nam không đầu hàng. Nhưng kết cục cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam là một thất bại về quân sự thảm hại nhất, lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ.
2. Kế hoạch tiêu diệt Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert McNamara
Để cứu vãn sự thất bại thảm hại của “Chiến lược chiến tranh đặc biệt”, tháng 5/1964 Bộ trưởng McMamara đích thân dẫn đầu đoàn quan chức cấp cao Bộ Quốc phòng Mỹ sang thị sát tình hình chiến sự ở miền nam Việt Nam nhằm xây dựng một kế hoạch chiến tranh mới leo thang ở mức độ ác liệt hơn. Nhận được tin này, chỉ huy biệt động Sài Gòn giao nhiệm vụ cho biệt động nội thành phải tiêu diệt nhiều mục tiêu trong bộ máy chiến tranh xâm lược của Mỹ ở miền nam, Mc Mamnara được chọn là mục tiêu đặc biệt quan trọng cần phải tiêu diệt ngay, nhiệm vụ này được giao cho tổ biệt động do Nguyễn Văn trỗi phụ trách
Quan sát mấy lần trước, thấy McNamara sang Sài Gòn đều đi hướng sân bay Tân Sơn Nhất vào tòa Đại sứ quán Mỹ ở trung tâm thành phố theo đường Công Lý, Ban chỉ huy đưa ra ba phương án:
1. Thuê ngôi nhà cạnh đường Công Lý để bố trí mìn, phục kích tiêu diệt.
2. Chôn mìn ở cầu Công Lý khi xe chở McNamara vừa xuống dốc thoai thoải của cầu thì cho nổ mìn.
3. Nếu McNamara không vào thành phố theo đường Công Lý, thì tiếp tục theo dõi, bám sát tiêu diệt khi y rời Sài Gòn.
Cuối cùng, căn cứ vào tình hình thực tế, tổ biệt động đã chọn phương án 2.
Đoàn quan chức cấp cao Bộ Quốc phòng Mỹ gồm nhiều nhân vật là tướng tá sừng sỏ, họ có đủ thẩm quyền quyết định nhiều vấn đề của chiến tranh, nên từ mấy hôm trước đó, chính quyền Sài Gòn đã dùng nhiều biện pháp tăng cường an ninh toàn thành phố kiểm soát nghiêm ngặt các tuyến đường mà phái đoàn của McNamara sẽ đi qua, lực lượng cảnh sát được nổ súng bất cứ vào mục tiêu nào khi thấy khả nghi.
Bằng các nghiệp vụ tác chiến khôn khéo, tổ biệt động đã vượt qua tầm mắt của mạng lưới cảnh sát và mật vụ dầy đặc, để đem quả mìn nặng 8 kg trong chiếc thùng tôn đến đặt gần cầu Công Lý vào trưa ngày 8/5/1964. Đến tối ngày 9/5/1964, hai chiến sĩ là Tư Kiếm và Ba Sơn rút ra vòng ngoài bảo vệ cho anh Trỗi và anh Lời rải dây điện nối mìn, hoàn tất một số chi tiết còn lại. Để thực hiện được kế hoạch của tổ biệt động, Nguyễn Văn Trỗi đã phải bán chiếc nhẫn vàng mà bạn bè vừa tặng nhân ngày cưới của vợ chồng anh lấy tiền mua dây điện. Nhưng không may, sự việc bị lộ, Nguyễn Văn Trỗi và Nguyễn Hữu Lời bị cảnh sát Sài Gòn bắt. Chúng đưa hai anh về giam tại Nha Cảnh sát. Mấy ngày sau, anh Trỗi nhảy từ lầu hai xuống với hy vọng về với đồng đội tiếp tục chiến đấu nhưng không may anh đã bị thương ở chân. Địch bắt anh lần hai đưa về biệt giam tại Khám Chí Hòa. Chúng dùng mọi thủ đoạn tra tấn hết sức dã man nhưng không thể khuất phục được ý chí kiên cường của anh. Để bảo đảm an toàn cho tổ chức và đồng đội, anh Trỗi đã nhận mọi trách nhiệm thuộc về mình.
Ngày 10/8/1964, Tòa án của chính quyền Việt Nam Cộng hòa do Nguyễn Khánh (8/11/1927-11/1/2013) làm Thủ tướng đã kết án tử hình anh. Sự việc này như luồng gió mạnh thổi bùng phong trào đấu tranh không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới nhất là tầng lớp thanh niên, sinh viên, họ đòi ân xá Nguyễn Văn Trỗi, đòi đế quốc Mỹ cút khỏi miền nam Việt Nam.
Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi (1940 - 1964) hiên ngang bất khuất tại pháp trường.
3. Vụ bắt cóc gây tiếng vang quốc tế và sự lật lọng của kẻ xâm lược
Ở tây bán cầu qua báo chí, biết tin Nguyễn Văn Trỗi bị bắt đang chờ ngày thi hành án tử hình, cảm phục trước khí phách anh dũng của anh, lực lượng du kích Venezuela (Cánh tả, rất có cảm tình với Việt Nam lúc đó đang hoạt động bí mật) đã tổ chức bắt cóc viên Đại tá Mỹ ngay trên đường phố Thủ đô Caracas họ đòi đổi mạng, giải thoát cho Nguyễn Văn Trỗi. Họ tuyên bố nếu chính quyền Sài Gòn xử tử Nguyễn Văn Trỗi, lập tức Đại tá Mỹ sẽ bị bắn chết.
Nhân chứng của vụ bắt cóc đổi mạng gây chấn động thế giới năm 1964 là ông Carlos Argenis Martínez Villalta, kể lại với nhà nghiên cứu Lịch sử Phạm Quang Hùng nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày hy sinh của anh hùng Liệt sỹ Nguyễn Văn Trỗi như sau: "Sự việc xảy ra vào buổi sáng ngày 9/10/1964. Một nhóm trong đó có đồng chí David Salazar, đồng chí Carlos Rey Gómez và tôi lái xe đến phố Los Mangos và chờ bên ngoài khu căn hộ của nhân viên cao cấp CIA, nơi ở của đại tá Michael Smolen, tùy viên Đại sứ quán Mỹ tại Venezuela. Hôm đó ông ta đi làm muộn hơn thường lệ vì có bữa ăn sáng với sếp của ông ta là Đại tá Henry Lee. Khoảng 8 giờ, thấy ông ta và Lee bước ra. Khi họ chuẩn bị lên xe thì xe của chúng tôi áp lại gần và tôi hô lớn: Đứng lại, đây là giải phóng quân.
Đại tá Henry Lee chạy thoát thân nhưng chúng tôi đã bắt được Đại tá Smolen, kéo hắn lên xe của chúng tôi và chở đi. Chúng tôi giữ ông ta ba ngày trong một căn hộ gần Đại lộ El Porvenir. Trên đường đi chúng tôi phải ngụy trang, cho ông ấy đeo kính râm và đổi xe hơi ở Sabana Grande trước khi đến địa điểm cuối cùng. Chúng tôi không tra tấn hay hành hạ gì ông ta. Chúng tôi cho ông ta ăn uống đầy đủ. Chúng tôi nói với ông ta về cuộc chiến phi nghĩa của Hoa Kỳ chống nhân dân Việt Nam, về các trận ném bom hủy diệt của Mỹ trên lãnh thổ Việt Nam, về Nguyễn Văn Trỗi. Chúng tôi giải thích cho ông ấy hiểu, tại sao chúng tôi phải thực hiện phi vụ bắt cóc này để đổi mạng ông ấy.
Trong ba ngày (từ 10 đến 12/10/1964) một mặt phe du kích Caracas trực tiếp thương lượng với đại diện Chính phủ Hoa Kỳ về việc đổi mạng Nguyễn Văn Trỗi với Đại tá Smolen. Mặt khác những thông tin về vụ bắt Đại tá Michael Smolen, mà báo chí Mỹ nói là do "khủng bố Venezuela” thực hiện nên cảnh sát Caracas truy lùng ráo riết tìm nơi chúng tôi giam giữ Đại tá Smolen. Tình thế buộc chúng tôi phải thả Smolen trước khi chúng tôi bị phát hiện. Chúng tôi chở ông ta bằng xe hơi và thả ông ta tại gần địa điểm mà chúng tôi bắt ông ta. Tuy đã có sự thỏa thuận, nhưng khi Đại tá Smolen vừa được chúng tôi thả ra thì Chính phủ Mỹ và Chính quyền Sài Gòn, lật lọng. Chúng hèn hạ xử bắn Nguyễn Văn Trỗi tại pháp trường thuộc Khám Chí Hòa Sài Gòn vào buổi sáng ngày 15/10/1964”.
Carlos Argenis Martínez Villalta nói tiếp: "Tôi rất buồn khi nghe tin Nguyễn Văn Trỗi bị tử hình, nhưng ông ấy không bao giờ chết. Ông ấy sống mãi. Người chiến đấu vì sự sống không bao giờ chết cả. Khi biết tin ông ấy vẫn bị xử tử, tôi rất đau đớn vì thực sự chúng tôi đã hy vọng là có thể thay đổi được tình hình. Tất nhiên, nếu được làm lại tôi sẽ vẫn làm như vậy. Sau này tôi có được đọc bài thơ “Hãy nhớ lấy lời tôi” được dịch ra tiếng Anh của ông Tố Hữu một nhà lãnh đạo Việt Nam, tôi thấy có đội du kích của mình trong đó:
“…Du kích quân Caracas đã vì anh
Bắt một tên giặc Mỹ giữa đô thành…”
Việc bắt cóc Đại tá Smolen của Mỹ là hành động đoàn kết của chúng tôi với nhân dân Việt Nam, với thế giới tiến bộ. Và để cứu mạng người anh hùng muốn đặt bom giết McNamara”. Thế hệ thanh niên chúng tôi ngày đó ở Venezuela và cả Châu Mỹ La-tinh rất yêu mến Nguyễn Văn Trỗi, yêu mến nhân dân Việt Nam, yêu mến Hồ Chí Minh vì họ rất anh hùng, họ đang chiến đấu để bảo vệ tự do, bảo vệ công lý”.
4. Tấm gương cách mạng sáng ngời
Nguyễn Văn Trỗi không chỉ hành động bất chấp hiểm nguy đặt mìn ở cầu Công Lý nhằm tiêu diệt những tên xâm lược khét tiếng mà còn thể hiện ý chí và niềm tin vào thắng lợi của cách mạng Việt Nam đến giây phút bị xử tử. Anh đã không chấp nhận đề nghị của cha đạo “rửa tội” vì nhận thấy mình chiến đấu vì độc lập tự do của Tổ quốc thì không có tội.
Thời gian ở trong tù, Nguyễn Văn Trỗi đã chịu bao nhiêu cực hình tra tấn của địch, nhưng anh vẫn luôn luôn giữ vững khí tiết của người cộng sản, bảo vệ cơ sở cách mạng và tìm cách vượt ngục để trở về với tổ chức, với đồng đội, được tiếp tục chiến đấu. Nhiều lần anh đã nói thẳng vào mặt kẻ thù: “Còn giặc Mỹ, không ai có hạnh phúc nổi cả”.
Khi ra pháp trường, với tư thế hiên ngang, bất khuất Nguyễn Văn Trỗi rất bình thản, anh tranh thủ từng giây, từng phút trước đông đảo nhà báo trong và ngoài nước để vạch trần tội ác của đế quốc Mỹ cướp nước và bọn tay sai bán nước phản bội lợi ích dân tộc. Bị kẻ thù bịt mắt, anh đã giật phắt tấm băng đen và nói: “Không, phải để tôi nhìn mảnh đất này, mảnh đất thân yêu của tôi”. Nguyễn Văn Trỗi, một chiến sĩ biệt động quả cảm, người cộng sản kiên trung. Hình ảnh hai cánh tay anh bị trói chặt vào cột ở pháp trường trước giờ phút tử hình, mắt anh vẫn sáng ngời, nhìn thẳng vào quân thù. Anh hô vang những khẩu hiệu đanh thép đã đi vào lịch sử nước nhà như một huyền thoại. Giây phút cuối cùng, anh dõng dạc hô to:
- Hãy nhớ lấy lời tôi;
- Đả đảo đế quốc Mỹ;
- Đả đảo Nguyễn Khánh;
- Hồ Chí Minh muôn năm;
- Hồ Chí Minh muôn năm;
- Hồ Chí Minh muôn năm.
Bị trúng đạn nhưng anh vẫn gượng dậy hô lớn: Việt Nam muôn năm!
Ca ngợi tinh thần hy sinh dũng cảm của anh hùng Nguyễn Văn Trỗi, nhà thơ Tố hữu đã viết:
“Có những phút làm nên lịch sử.
Có cái chết hóa thành bất tử.
Có những lời hơn mọi bài ca.
Có con người như chân lý sinh ra…”
Chủ tịch Hồ Chí Minh coi anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi như một tấm gương sáng ngời về chủ nghĩa yêu nước, tinh thần dám xả thân vì độc lập dân tộc để mọi thế hệ, nhất là thanh thiếu niên Việt Nam noi theo. Bác đã viết dưới bức ảnh anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn trỗi: “Vì Tổ quốc, vì nhân dân, liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi đã anh dũng đấu tranh chống đế quốc Mỹ đến hơi thở cuối cùng. Chí khí lẫm liệt của anh hùng Trỗi là một tấm gương hi sinh cách mạng sáng ngời cho mọi người yêu nước, nhất là cho các cháu thanh niên học tập”, đó là học tập “Khí phách hiên ngang cho đến hơi thở cuối cùng như liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi”./.
Nguyễn Văn Đầm Hội Khuyến học tỉnh