Hội Khuyến học các cấp huyện Quỳnh Phụ đã phát huy truyền thống cách mạng, truyền thống văn hiến trong xây dựng, phát triển mô hình gia đình học tập, dòng họ học tập.
Lãnh đạo hội Khuyến học tỉnh và huyện thăm không gian đọc của gia đình cô giáo Dương Lệ Nga xã An Dục
Quỳnh Phụ là huyện thuần nông, có vị trí chiến lược quan trọng của tỉnh Thái Bình, bởi có 2 cửa ngõ thông thương với thành phố Hải Phòng và tỉnh Hải Dương. Lịch sử đã khắc ghi Quỳnh Phụ là mảnh đất giàu truyền thống cách mạng, truyền thống văn hiến. Thời phong kiến, cả tỉnh Thái Bình có 124 người đỗ đại khoa, trong đó Quỳnh Phụ có 34 người. Đặc biệt, dòng họ Đỗ ở An Bài liên tiếp 5 đời có 6 cha con, anh em, ông cháu nối tiếp nhau thi đỗ đại khoa. Cuối tháng 6/1948, Quỳnh Côi là huyện đầu tiên trong cả nước thoát nạn mù chữ, được Hồ Chủ Tịch gửi thư, bằng khen và tặng phẩm, được Chính phủ tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất về công tác giáo dục. Trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, Quỳnh Phụ đã có những cống hiến to lớn về sức người, sức của, góp phần vào chiến thắng chung của dân tộc được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Hiện nay, Quỳnh Phụ đang đổi mới và phát triển mạnh mẽ với nhiều thành tựu nổi bật, nhất là về phong trào xây dựng nông thôn mới, là điểm đến tham quan, học tập của nhiều địa phương trong cả nước.
Trong sự phát triển chung đó, phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập của huyện luôn được quan tâm và phát triển bền vững. Đặc biệt, từ khi thực hiện Quyết định 387 của Thủ tướng Chính phủ, phong trào xây dựng gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị học tập đã phát triển cả bề rộng và chiều sâu có sức lan tỏa, động viên cán bộ, hội viên và nhân dân tích cực học tập góp phần xây dựng xã hội học tập trên địa bàn huyện.
Trong bối cảnh hiện nay, việc coi trọng giáo dục trong gia đình và trong dòng họ vẫn luôn được xác định là một trong những nền tảng quan trọng để củng cố nhân cách, đạo đức của con người. Chỉ có ở gia đình, dòng họ, mỗi cá nhân mới thực sự tìm thấy chiều sâu bền vững của sự ấm áp, an toàn và yêu thương. Tình cảm, sự quan tâm, ủng hộ, động viên khích lệ của gia đình và những người cùng huyết thống trong dòng họ sẽ là đòn bẩy giúp mỗi thành viên có thêm sự tự tin, củng cố tinh thần, nâng cao bản lĩnh để đối mặt với khó khăn trong học tập và vượt qua thử thách trong cuộc sống. Gia đình và dòng họ đóng vai trò quan trọng trong việc truyền thụ tri thức, kinh nghiệm từ thế hệ này sang thế hệ khác, giúp mỗi người biết trân trọng quá khứ để hướng tới tương lai. Thực tế cho thấy, sự tự hào về nguồn gốc, truyền thống và danh dự của gia đình, dòng họ là động lực rất lớn giúp con người Việt Nam khắc phục khó khăn, vươn tới ước mơ và đạt được thành công trong học tập, trong sự nghiệp.
Xác định được điều đó, nhiều năm qua, các cấp Hội Khuyến học ở Quỳnh Phụ đã chú trọng công tác tuyên truyền để nhân dân hiểu rõ: Muốn có một xã hội học tập đúng nghĩa thì không thể coi nhẹ yếu tố gia đình học tập, dòng họ học tập. Xây dựng gia đình và phát triển văn hóa trong từng gia đình, từng dòng họ cũng chính là để xây dựng được về “chất” một xã hội học tập. Để xây dựng thành công các mô hình GĐHT, DHHT, Hội Khuyến học huyện Quỳnh Phụ đã coi trọng công tác quán triệt, triển khai các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh về công tác KH, KT, XD XHHT, trong đó tập trung vào Quyết định 387, 677 của Thủ tướng Chính phủ và kế hoạch tổ chức thực hiện của Hội Khuyến học các cấp. Công tác tập huấn về tiêu chí đánh giá các mô hình học tập hàng năm được tổ chức bài bản từ huyện đến cơ sở. Hội Khuyến học các cấp trong huyện đã phát huy vai trò nòng cốt trong liên kết, phối hợp, thúc đẩy phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng. Các gia đình, dòng họ tiếp nhận, hưởng ứng một cách đồng thuận, thống nhất cao. Từ năm 2021 đến nay, số gia đình, dòng họ đăng ký và đạt “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập” tăng hàng năm. Năm 2023, toàn huyện có 47.452 /76.536 = 62% gia đình được công nhận GĐHT; 732/1.238 = 59,1% dòng họ được công nhận DHHT. Nhiều gia đình, dòng họ coi việc khuyến học, khuyến tài là mấu chốt để thúc đẩy việc tích cực học tập của con cháu, dùng tri thức học tập để tạo lập cuộc sống cá nhân, gia đình và cộng đồng sung túc hơn, hạnh phúc hơn.
Tiến Sĩ Nguyễn Hiệp Đồng, giảng viên trường Đại Học Kiến Trúc Hà Nội, trưởng Ban Khuyến học dòng họ Nguyễn Hiệp, An Khê thông qua quy chế của Ban Khuyến học dòng họ.
Việc xây dựng gia đình, dòng họ học tập ở Quỳnh Phụ không chỉ tập trung vào việc chăm lo cho trẻ em trong độ tuổi học phổ thông mà còn động viên người lớn trong trong gia đình, dòng họ đi học bổ túc văn hóa để hoàn thành phổ cập giáo dục THCS, học nghề, tìm hiểu pháp luật, nắm chắc chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, tiếp thu khoa học kỹ thuật phục vụ sản xuất, phát triển kinh tế, giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng. Nhiều gia đình học tập tiêu biểu ở Quỳnh Phụ bên cạnh việc phát triển kinh tế hộ gia đình là việc đầu tư, tạo điều kiện cho con cháu học hành thành đạt, giáo dục con cháu sống tử tế, làm việc thiện nguyện, hướng tới cộng đồng. Điển hình như gia đình Lương y Đào Viết Thoàn xã An Quý, bản thân ông là một thương binh đã nỗ lực tự học, tìm tòi sáng tạo để trở thành thầy thuốc ưu tú và nhân tài đất Việt. Các con của ông đều thành đạt, ông có 3 người con, con gái lớn là Thạc sỹ Luật có công ty riêng ở Hà Nội, con gái thứ 2 tốt nghiệp Đại học điều dưỡng đang công tác ở BVĐK Thái Bình, con trai thứ 3 tốt nghiệp Đại học y Thái Bình đang công tác tại BVĐK Thái Bình. Cơ sở chữa bỏng của gia đình ông đã cứu chữa cho hàng ngàn bệnh nhân, nhiều bệnh nhân nghèo được miễn phí. Gia đình Nhà giáo ưu tú Dương Lệ Nga ở xã An Dục, không chỉ giáo dục con cháu trong gia đình ham học, ham đọc sách mà còn xây dựng một không gian đọc với hàng ngàn đầu sách phục vụ nhu cầu đọc của các lứa tuổi trong thôn xóm, các thành viên trong gia đình tích cực lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng. Bản thân cô, hơn 10 năm qua, đã kết nối với nhiều nhà hảo tâm thực hiện chương trình “sách hóa nông thôn” đồng thời tặng nhiều tủ sách cho các nhà trường trong và ngoài tỉnh. Gia đình ông Nguyễn Hữu Túy xã An Dục có 2 con là Tiến sỹ, hàng năm đều hỗ trợ thẻ BHYT cho 10 học sinh có hoàn cảnh khó khăn, tặng học bổng cho 10 học sinh vượt khó học giỏi đồng thời tài trợ cho quỹ khuyến học của dòng họ và xã từ 5-10 triệu đồng,...
Dòng họ Nguyễn Hiệp xã An Khê trao quà Khuyến học cho học sinh
Hầu hết các dòng họ trong huyện đều thành lập Ban khuyến học, cử những người thành đạt trong gia tộc làm trưởng Ban Khuyến học và xây dựng quy chế hoạt động. Hàng năm, các dòng họ đều tổ chức trao thưởng cho những người đỗ đạt, con cháu vượt khó vươn lên trong học tập tại Từ đường, Nhà thờ họ. Ở xã An Khê, mỗi dòng họ tổ chức ngày hội khuyến học đều mời trưởng các dòng họ trong xã đến dự vừa tạo sự đoàn kết các dòng họ trong xã, vừa khích lệ sự tự tôn của mỗi dòng họ. Việc xây dựng Quỹ khuyến học của các dòng họ được vận dụng linh hoạt theo điều kiện của mỗi dòng họ nhưng chủ yếu là từ nguồn tài trợ của những người thành đạt trong dòng tộc. Hiện tại, Quỹ khuyến học của dòng họ trong toàn huyện đạt trên13 tỷ đồng. Nơi có quỹ khuyến học dòng họ lớn là An Khê, Quỳnh Giao, An Ninh, Quỳnh Khê, Quỳnh Thọ…
Một trong những điều kiện học tập của mỗi gia đình, dòng họ là sách và tài liệu học tập. Ở Quỳnh Phụ từ nhiều năm nay, việc xây dựng mô hình tủ sách phụ huynh ở tất cả các trường học được duy trì. Từ mô hình này, các mô hình tủ sách đặc trưng được hình thành như tủ sách dòng họ, tủ sách hậu phương chiến sỹ, không gian đọc. Toàn huyện hiện có gần 1000 tủ sách phụ huynh tại các lớp học, 26 tủ sách dòng họ, 5 tủ sách hậu phương chiến sỹ, 6 không gian đọc cùng với nhiều tủ sách gia đình, tủ sách thôn làng. Tủ sách Trung tâm HTCĐ tạo thành hệ thống thư viện mở phục vụ việc đọc của mọi người tương thích với các mô hình Công dân học tập, Gia đình học tập, Dòng họ học tập, Đơn vị học tập, Cộng đồng học tập, giúp cho việc học tập được diễn ra mọi nơi, mọi lúc, mọi người đúng theo tinh thần của xã hội học tập. Điển hình là tủ sách của dòng họ Đào thôn Thượng Phán xã Quỳnh Hoàng, họ Đỗ thôn Đại Điền xã An Vũ, họ Hòa xã An Dục, thư viện Chùa Thiên Phúc xã Quỳnh Hội…
Thực tế cho thấy, ở địa phương nào phát huy hiệu quả các mô hình học tập, nhất là mô hình GĐHT, DHHT, ở đó không chỉ chất lượng giáo dục toàn diện được nâng cao mà còn tác động mạnh mẽ đến sự phát triển bền vững của phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Từ nhiều năm qua, những mô hình học tập được triển khai thực hiện giúp người dân ở Quỳnh Phụ ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh, mạnh dạn chuyển đổi, vươn lên làm giàu chính đáng. Nhiều dòng họ có quỹ tương trợ, giúp đỡ các gia đình khó khăn trong họ nuôi con ăn học, phát triển kinh tế góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trong huyện xuống còn 2,9 %, tỷ lệ hộ cận nghèo giảm xuống còn 2,5%, có 22 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP. Nhờ được học tập qua các mô hình học tập, người dân hiểu biết pháp luật, nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng. Với phương châm, một chủ gia đình thông hiểu sẽ vận động được cả gia đình, một trưởng tộc uy tín sẽ vận động được nhiều gia đình trong dòng họ làm theo nên ở Quỳnh Phụ việc vận động nhân dân hiến đất cho nhà nước để làm đường giao thông đã trở lên thuận lợi. Từ năm 2021 đến nay, toàn huyện có hơn 4.100 hộ gia đình tự nguyện hiến trên 350.000 m2 đất, tổng giá trị đất hiến gần 500 tỷ đồng. Có gia đình hiến 1-2 lô đất ở, có gia đình hiến 4-5 sào ruộng, có gia đình còn hiến hộ hàng nghìn m2 đất nông nghiệp để chia sẻ với các gia đình khác. Tiêu biểu như gia đình ông Đào Anh Đăng xã Đồng Tiến hiến 1.719 m2 đất nông nghiệp, gia đình ông Đặng Quang Trung xã Đồng Tiến hiến hộ gia đình khác 1.580 m2 đất nông nghiệp… Nhiều dòng họ vận động con em thành đạt không chỉ đóng góp xây dựng nhà thờ họ, tài trợ quỹ khuyến học mà còn đóng góp xây dựng nông thôn mới ở địa phương hàng tỷ đồng, tiêu biểu như dòng họ Lê Đắc ở xã An Khê, dòng họ Vũ Khắc ở An Mỹ, dòng họ Hoàng Hữu xã Quỳnh Giao,… Những việc làm và kết quả trên góp phần để hết năm 2023, Quỳnh Phụ có 8 địa phương đạt xã nông thôn mới nâng cao, trong đó An Thái là xã đầu tiên của tỉnh Thái Bình đạt xã nông thôn mới kiểu mẫu.
Việc xây dựng các mô hình học tập nói chung, mô hình GĐHT, DHHT nói riêng đã khuyến khích thúc đẩy mọi thành phần trong cộng đồng tham gia học tập, tạo điều kiện, cơ hội cho mọi người được học tập thường xuyên, học tập suốt đời, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội; nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục; xóa đói, giảm nghèo; xây dựng nông thôn mới và nâng cao chất lượng cuộc sống cho mỗi gia đình và cộng đồng.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đạt được, thực tiễn triển khai các mô hình học tập cho thấy việc nhân rộng và phát triển các mô hình cũng đang gặp phải những khó khăn nhất định như: chất lượng của các mô hình học tập còn hạn chế so với yêu cầu của tiêu chí đánh giá. Công tác tuyên truyền về xây dựng mô hình "Gia đình học tập", "Dòng họ học tập" chưa có chiều sâu tại một số địa phương. Nhận thức của một bộ phận người dân lao động chưa đồng đều, chưa thật chuyển biến, chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra. Vấn đề kinh phí, phương tiện hoạt động, phụ cấp của cán bộ Hội Khuyến học ở cơ sở đang là mối lo chung của các địa phương.
Thực hiện Kế hoạch số 186 ngày 31/12/2021 của UBND tỉnh Thái Bình về việc thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030” trên địa bàn tỉnh Thái Bình, huyện Quỳnh Phụ phấn đấu đến năm 2025 có 75% gia đình được công nhận đạt danh hiệu "Gia đình học tập", 70% dòng họ được công nhận đạt danh hiệu "Dòng họ học tập". Để đạt được kế hoạch trên và nâng cao hơn nữa chất lượng các mô hình học tập, trong thời gian tới, một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của Hội Khuyến học huyện Quỳnh Phụ:
Một là, làm tốt công tác tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương về các chủ trương, giải pháp xây dựng xã hội học tập trên địa bàn, tạo điều kiện cho mọi người được tiếp cận giáo dục một cách bình đẳng, khuyến khích tinh thần học tập trong cộng đồng.
Hai là, phát huy vai trò nòng cốt của các tổ chức khuyến học, tăng cường sự phối hợp hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội trong công tác tuyên truyền về vai trò, tầm quan trọng của hoạt động khuyến học nói chung, việc xây dựng gia đình học tập, dòng họ học tập nói riêng, từ đó khơi dậy tinh thần thi đua học tập trong các gia đình, dòng họ.
Ba là, đổi mới công tác truyền thông đề cao vai trò của các gia đình, dòng họ trong việc tuyên truyền, vận động nâng cao dân trí, phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng cuộc sống no ấm, hạnh phúc. Phát huy vai trò của người có uy tín trong cộng đồng đối với việc xây dựng gia đình học tập, dòng họ học tập.
Bốn là, tiếp tục đổi mới sáng tạo, đa dạng hóa các hình thức vận động xây dựng Quỹ khuyến học. Các tổ chức Hội ưu tiên dùng quỹ khuyến học để khuyến khích, giúp đỡ các thành viên học tập có hiệu quả.
Năm là, chú trọng công tác bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ khuyến học và chất lượng hoạt động khuyến học các cấp. Phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng những điển hình tiên tiến, những mô hình mới, cách làm hay, có sức lan tỏa trong công tác khuyến học, xây dựng xã hội học tập. Làm tốt công tác thi đua khen thưởng, giành kinh phí thỏa đáng trong Quỹ khuyến học hằng năm để khen thưởng các gia đình học tập, dòng họ học tập tiêu biểu./.
Nguyễn Thị Phương, Chủ tịch Hội Khuyến học huyện